Hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch xã, thị trấn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là trọng tâm trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn của NHCSXH được xem là cánh tay nối dài truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách.
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Biên luôn chú trọng triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, giao dịch và phục vụ tại các điểm giao dịch xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện An Biên, NHCSXH có 09 điểm giao dịch xã, thị trấn, các điểm giao dịch này đều được UBND xã, thị trấn bố trí giao dịch tại hội trường trong khuôn viên của UBND và cử cán bộ phối hợp bảo vệ tại điểm giao dịch. Điểm giao dịch được trang bị đầy đủ các biển hiệu, biển chỉ dẫn, nội quy giao dịch, hòm thư góp ý, niên yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất huy động, lãi suất vay, đối tượng được vay và mức vay từng chương trình… Các điểm giao dịch xã, thị trấn được duy trì vào ngày cố định trong tháng theo từng xã, thị trấn, nếu ngày giao dịch cố định trùng vào ngày thứ bảy, chủ nhật hay ngày Lễ, Lãnh đạo Phòng giao dịch bố trí cán bộ trực giao dịch đúng quy trình giao dịch theo quy định, đảm bảo an toàn trước, trong và sau giao dịch.

Vào ngày giao dịch tại các điểm giao dịch xã, thị trấn, Chủ tịch UBND hoặc Trưởng Ban Giảm nghèo xã, thị trấn dự họp giao ban hàng tháng với NHCSXH, Hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm và vay vốn để nắm tình hình và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động tín dụng chính sách. Trong hoạt động giao dịch xã, cán bộ ngân hàng phối hợp với các Tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác hướng dẫn tận tình các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn kiểm kê tiền và giao dịch với ngân hàng, hướng dẫn các hộ vay tham gia tiết kiệm, trả nợ hoặc vay tiền được nhanh chóng, kịp thời…
Thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Biên đã có những giải pháp tích cực, hiệu quả, qua đó đã rút ngắn thời gian giao dịch tại các điểm giao dịch xã, thị trấn xuống còn 1 buổi (từ 3 đến 4 tiếng), trước đây thường phải 02 buổi giao dịch từ 4 đến 6 tiếng, khách hàng và Tổ Tiết kiệm và vay vốn không phải mất nhiều thời gian cho giao dịch, đồng thời công tác an toàn cho trước, trong và sau giao dịch được đảm bảo hơn.
Để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, có tích lũy thoát nghèo bền vững, đồng thời truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nên trước khi giải ngân đến người vay, cán bộ ngân hàng dành thời gian thăm hỏi về nhu cầu và mục đích sử dụng vốn, tuyên truyền đến người vay về việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi đúng quy định và thường xuyên tham gia tiết kiệm để có tích lũy vươn lên thoát nghèo…
Được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn trong giao ban, giao dịch và quản lý tốt các nguồn vốn, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng của UBND các xã, thị trấn, sự phối hợp chặc chẻ của các Hội đoàn thể nhận ủy thác, các ngành có liên quan, cùng với sự nổ lực của cán bộ NHCSXH huyện An Biên trong thời gian qua nên hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch xã trên địa bàn luôn xếp loại tốt, chất lượng hoạt động tín dụng tại các điểm giao dịch xã tăng dần qua từng năm được thể hiện qua các chỉ số như: Tỷ lệ giải ngân, thu nợ tại điểm giao dịch xã, thị trấn đạt trên 90% so với tổng số dư, tỷ lệ thu lãi và thu tiết kiệm tại điểm giao dịch xã đạt trên 99% so tổng số dư, 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn giao dịch tại điểm giao dịch xã, thị trấn…, qua đó tiết giảm một lượng lớn chi phí cho người dân, Tổ tiết kiệm và vay vốn đến giao dịch, đồng thời được sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội một cách dân chủ, công khai trong thực thi tín dụng chính sách trên địa bàn.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí thấp nhất và mang lại hiệu quả cao nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời tiếp tục thực hiện củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021-2023, Phòng giao dịch tiếp tục xem hoạt động giao dịch xã là hoạt động trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ, gắn với việc lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới với nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của nhà nước góp phần giảm nghèo, phát tiển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn.