Ngày 22/7/2022, UBND huyện An Biên tổ chức hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có ông Thái Văn Phúc Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo tổng kết 20 năm cấp tỉnh, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và bà Nguyễn Thị Mỹ Nương, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh. Qua nghe báo cáo tổng kết, phóng sự và các tham luận tại hội nghị, ông Thái Văn Phúc đã có đánh giá và chỉ đạo thực hiện như sau:
Trãi qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện An Biên đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương đảng. Việc tổ chức triển khai tín dụng chính sách đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn tăng trưởng và phát triển ổn định, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Những kết quả đạt được đã cho thấy sự phát triển, tăng trưởng vốn gắn liền với hiệu quả, chất lượng, ổn định và bền vững, được minh chứng qua các số liệu như: Từ 02 chương trình tín dụng ban đầu với dư nợ 7 tỷ đồng, đến nay An Biên đang thực hiện cho vay 14 chương trình với dư nợ trên 318 tỷ đồng. Song song với sự tăng trưởng, chất lượng tín dụng được nâng lên, nợ quá hạn từ 5,45%, đến nay giảm còn 0,34%, mà trong đó có 01 xã không còn nợ quá hạn và 10/36 hội cấp xã không còn nợ quá hạn, 93% tổ vay vốn hoạt động đạt tốt và khá, không có tổ yếu… đã cho thấy hiệu quả của công tác triển khai, quản lý vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện và sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn huyện An Biên không chỉ dừng lại ở chất lượng quản lý ,mà hiệu quả sâu xa là đã thực hiện được mục tiêu, ý nghĩa của đồng vốn tín dụng chính sách mà Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đó là: Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 50.519 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay ưu đãi với số tiền trên 655 tỷ đồng; đã góp phần tích cực giúp cho cho trên 10.927 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 2.654 lao động; 2.910 lượt sinh viên được vay vốn; cho vay xây dựng 26.002 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 1.990 căn nhà cho hộ nghèo có nơi ở ổn định… góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 14 triệu đồng/người/năm 2002 lên 50 triệu đồng/người năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18% năm 2002 xuống còn 3,23% theo điều tra năm 2021 và đến nay còn 3,08%%. Không còn trường hợp hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất.
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính lâu dài để Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách.
Kết luận chỉ đạo hội nghị ông Thái Văn Phúc đề nghị UBND huyện An Biên tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bám sát Chiến lược phát triển của NHCSXH Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp được nêu trong báo cáo, đồng thời lưu ý một số nội dung: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Quan tâm dành nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được thông báo đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhất là các chương trình tín dụng cho vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ để sớm khôi phục kinh tế sau đại dịch covid-19. Tiếp tục quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách xã hội.
Qua hội nghị, Ban tổ chức đã trao tặng giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đến 02 tập thể và 06 cá nhân, khen thưởng của NHCSXH tỉnh đến 05 tập thể và giấy khen của UBND huyện đến 05 tập thể và 26 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong triển khai, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn huyện An Biên trong 20 năm qua./.