Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng như hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhưng các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện An Biên vẫn đảm bảo triển khai kịp thời, hiệu quả. Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đã chỉ đạo NHCSXH huyện phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đoàn thể nhận ủy thác cùng với Tổ Tiết kiệm và vay vốn các xã, thị trấn, rà soát, phân loại đối tượng vay vốn, tập trung giải ngân kịp thời các nguồn vốn cho vay, xử lý nợ, thu lãi và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm nguồn vốn chính sách ưu đãi đến đúng đối tượng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào kết quả xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm của địa phương, đồng thời tích cực tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Nhiều năm qua, gia đình chị Sa Ro Ky Yah – đồng bào Chăm ngụ ấp Rọc Lá xã Tây Yên A huyện An Biên là hộ cận nghèo không nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ từ chính sách dân tộc của chính quyền địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp. Chị Sa Ro Ky Yah cho biết: “Năm 2015 với số tiền vay ban đầu là 20 triệu đồng từ chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo, tôi mở cửa hàng quần áo tại Thị trấn Thứ Ba và bán hàng online với các mặt hàng như đá phong thủy, đồ mỹ nghệ, trang sức làm từ ngà voi, cẩm thạch, vàng mạ, vàng non… Nhờ có nguồn vốn bước đầu đem lại hiệu quả, gia đình tôi có nguồn thu nhập và tích lũy dần vươn lên thoát nghèo”. Sau khi trả xong nợ vay lần đầu, Ngân hàng chính sách xã hội huyện An Biên tiếp tục xem xét cho gia đình chị vay vốn lần thứ 2 số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với hộ cận nghèo, giúp mở rộng thêm quy mô kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Thu nhập trung bình hàng tháng gần 20 triệu đồng không chỉ giúp trang trãi cuộc sống hàng ngày mà các con còn được học hành đến nơi đến chốn, đến nay gia đình chị đã xây được ngôi nhà khang trang như mơ ước bấy lâu.
Năm 2020, Tây Yên A là xã có tỷ lệ nợ quá hạn bằng 0%, đạt chỉ tiêu phương án nâng cao chất lượng tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đời sống được nâng lên rõ rệt, chuyển biến được tư duy, cách thức làm ăn. Từ gương một số hộ nghèo nhờ phát huy tốt vốn vay ưu đãi đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, lan tỏa thành phong trào trên toàn xã, góp phần giúp Tây Yên A giữ vững danh hiệu xã Nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Giàu – Tổ trưởng tổ vay vốn số 6 ấp Rọc Lá xã Tây Yên A huyện An Biên cho biết địa bàn ông đang quản lý hiện có 46 hộ vay vốn chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Trong đó các hộ chủ yếu sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh mua bán nhỏ như mua bán vải, quần áo may sẵn, sửa điện tử, chăn nuôi các loại gia súc gia cầm, thủy sản. Sang năm 2021, ông mong muốn chính quyền địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội huyện tiếp tục hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi để bà con có điều kiện kinh doanh mua bán, làm ăn có hiệu quả hơn.
Bà Trần Thị Tuyết – Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện An Biên cho biết: Năm 2020, Ngân hàng chính sách xã hội huyện tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và địa phương, tỷ lệ tăng trưởng của đơn vị trên 10%, nguồn vốn được xét cho vay đến đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao. Doanh số cho vay của đạt 66,7 tỷ đồng, với 2.276 lượt khách hàng vay vốn các chương trình, qua đó đã giúp vốn cho 968 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền 30,3 tỷ đồng; 582 hộ vay vốn xây mới và sửa chữa 1.159 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, số tiền 10,7 tỷ đồng; 168 hộ vay vốn giải quyết việc làm, số tiền 2,1 tỷ đồng; 442 hộ vay sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn, số tiền 16,1 tỷ đồng; 72 hộ vay cất nhà ở theo QĐ 33, số tiền 1,8 tỷ đồng; 41 hộ vay chương trình HSSV với số tiền 1,2 tỷ đồng... cơ bản giải quyết kịp thời nhu cầu vốn cho hộ vay. Bên cạnh nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và huyện cũng góp phần trong việc giải quyết kịp thời nhu cầu vốn và công tác giảm nghèo tại địa phương. Nguồn vốn ngân sách tỉnh đến nay đạt 13,7 tỷ đồng, ngân sách huyện 1,9 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Biên quản lý đến nay đạt 269 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn 0,42% trên tổng dư nợ, toàn huyện có 02 xã có tỷ lệ nợ quá hạn bằng 0% là Tây Yên A và Nam Thái A, các xã, thị trấn còn lại đều có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% và đều giảm so năm 2019.
Năm 2021, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện tiếp tục chủ động phối hợp với Hội đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, xã và chính quyền địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách để đáp ứng nhu cầu về vốn trên địa bàn, đảm bảo nguồn vốn được cho vay đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.