An Biên sử dụng vốn NHCSXH hiệu quả, Hội viên Hội Cựu chiến binh xã Nam Thái, huyện An Biên vươn lên thoát nghèo trong đại dịch Covid-19.
Năm 2021, dịch Covid - 19 bùng phát đã mang lại những khó khăn chưa từng có trong các mặt hoạt động và đời sống, kinh tế của nhân dân, các hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn… Tuy nhiên, nhờ vốn tín dụng chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp cho nhiều hộ vay ở ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo góp phần vào sự phát triển của địa phương. Phong trào Hội viên Hội Cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo, xóa nhà tạm, làm kinh tế giỏi xã Nam Thái, huyện An Biên là một điển hình tiêu biểu.
Đưa chúng tôi ra thăm bầu nuôi sò ngoài biển, cách đất liền hơn 10 km, anh Võ Văn Sơn Hội viên Hội Cựu chiến binh ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên cho biết: Năm 2018, gia đình tôi vay 30 triệu đồng để nuôi sò huyết với diện tích 3 ha mặt nước biển, nhờ làm ăn có hiệu quả và tiết kiệm, qua 3 năm, tôi đã trả hết nợ cho ngân hàng. Năm 2021, nhận thấy nuôi vẹm xanh chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao và để tiếp tục đầu tư mô hình nuôi sò huyết, tôi mạnh dạn đề nghị và được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, tôi mua 5.000 cây cừ tràm, cào, các vật dụng nuôi sò và vẹm xanh, đến nay phương án nuôi sò huyết và vẹm xanh cho năng suất cao từ 200-300kg/ngày, thu nhập bình quân mỗi ngày từ 3 đến 5 triệu đồng, tính từ đầu vụ thu hoạch đến nay, gia đình tôi đã thu nhập hơn 100 triệu đồng, dự kiến thu hoạch đến cuối vụ sẽ cho thu nhập trên 250 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư nhân công và lấy công làm lời tôi lãi hơn 120 triệu đồng. Nhờ được vay vốn từ NHCSXH huyện để đầu tư mở rộng mô hình nuôi sò huyết và vẹm xanh mà kinh tế gia đình khá hơn, sửa sang lại nhà cửa khang trang và có tích lũy.
Tương tự như anh Sơn, gia đình anh Nguyễn Văn Trăng là Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên, trước đây là hộ nghèo được chính quyền địa phương xét cho vay 8 triệu đồng từ NHCSXH huyện và 7 triệu đồng từ tiền hỗ trợ để cất nhà, khi gia đình có nơi ở ổn định, anh cũng bám biển mưu sinh bằng nghề cào hến, cào ốc để bán, thu nhập không ổn định. Thấy mô hình nuôi vẹm xanh có hiệu quả, anh vay vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo từ NHCSXH huyện 40 triệu đồng để đầu tư nuôi vẹm xanh. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các hội viên Hội Cựu chiến binh trong ấp cho anh nuôi vẹm trên diện tích mặt nước biển của người quen đang nuôi sò, phần trên anh cắm cừ nuôi vẹm.
Anh Trăng cho biết: Đây là nghề không tốn quá nhiều công sức để chăm sóc, chỉ đầu tư vốn và công sức ban đầu cắm cừ, cột để treo vẹm giống, về sau thỉnh thoảng xuống thăm xem vẹm phát triển thế nào. Hiện nay mô hình nuôi vẹm của anh Trăng đã cho thu hoạch mỗi ngày 120-200kg vẹm thương phẩm, bán lẻ cho vựa thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Ước tính năm nay anh thu hoạch khoảng 15 tấn, trừ chi phí và nhân công anh lời trên 100 triệu đồng, đời sống gia đình khá hơn, anh mua sắm vật dụng sinh hoạt trong gia đình và có tiền lo cho 2 con đi học.
Đây là những mô hình không tốn nhiều chi phí đầu tư, chỉ cần chăm chỉ làm ăn và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất hiệu quả, sử dụng vốn vay của NHCSXH đúng mục đích thì người dân nói chung, hội viên Hội Cựu chiến binh ấp 6 Biển, xã Nam Thái nói riêng đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, hướng tới khá giàu, góp phần làm cho đời sống người dân quê hương xứ biển ngày càng đổi mới trong công cuộc xây dựng nông thôn mới./.